Archive | September 2014

ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA THÁNH NỮ TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU – LỄ KÍNH 01-10

548786_354971537923634_1003616748_n

Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Tiến sĩ Hội Thánh

Thánh Têrêsa sinh ngày 2/1/1873 tại Alancon nước Pháp trong một gia đình đạo đức. Song thân của Ngài là ông Louis Martin và bà Maria Guerin. Mẹ của thánh nữ qua đời khi Ngài vừa tròn 4 tuổi để lại cho Têrêsa một nỗi buồn khôn tả. Thánh nữ được cha già và các chị giúp đỡ, dẫn dắt trên đường đạo đức và Ngài tiến rất xa trên đường hoàn thiện. Năm 10 tuổi Ngài được rước lễ lần đầu và được lãnh nhận bí tích thêm sức. Ngài được Đức Mẹ chữa lành một căn bệnh cách lạ lùng ngay năm hồng phúc ấy. Năm 1887, vào ngày lễ sinh nhật, Ngài quyết định đi theo tiếng Chúa gọi mời và Ngài được Đức Giáo Hoàng ban đặc ân vào dòng kín khi mới 15 tuổi đời. Nét nổi bật nhất trong đời tu của thánh nữ là lòng đơn sơ phó thác vào Chúa, bác ái với mọi người và yêu mến các linh hồn. Thánh nhân được chị của mình là Pauline khuyến khích ghi lại: ”Tiểu sử một linh hồn“ ( Histoire d’ une âme ). Ngày 14/6/1895, thánh nhân cảm thấy một vết thương mở rộng trong khi ngắm đàng thánh giá. Ngày 8/7/1897, thánh Têrêsa lâm trọng bệnh và ngày 30/9/1897, thánh nữ đã trút hơi thở cuối cùng ra đi về với Thiên Chúa tình yêu, sau khi lãnh nhận của ăn đàng cuối cùng. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nâng Ngài lên bậc hiển thánh và đặt Ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thánh nữ còn được phong tiến sĩ Hội Thánh vì những tư tưởng đạo đức cao sâu của Ngài để lại cho nhân loại. ***

lilfleur

ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
(Mt 18,2-4)

Ngày xưa còn bé, lúc tôi vừa chân ướt chân ráo vào tiểu chủng viện, người ta đã trao đến tôi cuốn “Một tâm hồn” của thánh Têrêsa như là cuốn sách phải đọc, để học đời sống thiêng liêng. Thú thực, trong mắt nhìn của cậu bé ham chơi là tôi lúc ấy, cuốn “Một tâm hồn” quả là một cuốn truyện vui với những trò chơi tuyệt vời. Từ chuyện đi ngang về tắt chui qua bụng ngựa đến chuyện ngắm mãi không chán ống kính vạn hoa, từ chuyện nhìn trời buổi tối bỗng thấy sao kết tên mình đến chuyện nhìn đất lượm lên một cọng rác cũng vòi Chúa giải thoát cho một linh hồn. Tất cả đều là chuyện vui của một cô bé ưu được nuông chiều.

Nhưng lớn lên có dịp nghiềm gẫm nhiều hơn, tôi mới ngộ ra rằng: Đằng sau những trò tưởng là trẻ con “mít ướt” ấy lại là cả một tâm tình tự nhiên của trực giác tuổi thơ, cộng thêm những thao thức vươn lên của ước mơ xuân trẻ, và đi đi về về trên những nẻo đường vừa thơ vừa trẻ ấy là nhấp nhô những cây thánh giá của hy sinh đong đầy hy vọng. Đó là đường nên thánh của Têrêsa.

fsy0ll22

1. Đường nên thánh của Têrêsa được dệt bằng những tâm tình tự nhiên tuổi thơ.

Người ta vẫn quen gọi đây là “đường thơ ấu thiêng liêng”, nghĩa là đường nên thánh khởi đi từ những tâm tình tuổi nhỏ. Rất đẹp và rất thơ. Một phương cách tuy không mới tuyệt đối, vì Chúa Giêsu đã gợi lên từ xưa: “Ai không nên như trẻ nhỏ sẽ chẳng được vào Nước Trời”, nhưng chính Têrêsa đã đem đến cho phương cách này một nét hấp dẫn mới và một độ rộng mới phù hợp trong tầm với của mọi người, dù là giáo sĩ hay tu sĩ hoặc giáo dân, dù là trí thức bụng đầy chữ nghĩa hay là bình dân ít học. Hết thảy đều có thể sử dụng phương cách này hoặc đi trên con đường này. Người Mỹ gọi xa lộ của họ là freeway, nghĩa là đường tự do ra vào, không phải thuê bao, không cần mua vé. Đường thơ ấu thiêng liêng cũng thế, là freeway mở ra cho hết mọi người.

“Nên như trẻ nhỏ” là phương cách của Phúc âm. Nhưng nên như thế nào lại là điều thuộc về phong cách của Têrêsa. Thật vậy, qua chuyện “Một tâm hồn”, thánh nữ đã vận dụng rất tự nhiên mọi biến cố xảy đến trong đời để, phải nói là, nũng nịu và vòi vĩnh Chúa dẫn mình trên đường nên thánh.
Ai trong chúng ta cũng biết tình yêu là điều đáng giá nhất trên đời, và chẳng cần bảo ai, người ta vẫn cứ thi nhau làm những việc càng lớn càng tốt để diễn tả tình yêu ấy. “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Có biết đâu tình yêu xét cho cùng cũng là điều thuộc về trật tự của tấm lòng, thế nên, khi có tấm lòng lớn, thì dù việc làm có khiêm tốn đến đâu đi nữa, cũng vẫn là một tình yêu đầy đặn vuông tròn. Nhất là khi tấm lòng ấy xin dành cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Đó là nét đầu tiên của đường thơ ấu Têrêsa.

Sainte_T

2. Đường nên thánh của Têrêsa cũng được ghi dấu bằng những ước mơ tươi trẻ.

Nếu “giống như tuổi thơ”, Têrêsa đã tham lam ôm lấy mọi biến cố trong đời, dù vui hay buồn, dù lớn hay bé. dù hữu ý hay vô tình, dù được người khác biết đến hay không, để làm thành vốn liếng sinh lời trong tình yêu Chúa, thì độ bền của nẻo đường thiêng liêng ấy lại ngày từng ngày làm bằng những thao thức trẻ trung táo bạo.

Trẻ trung ở chỗ thánh nữ luôn bị thiêu đốt bời những ước mơ, nói theo kiểu Sea Games, là mơ “cao hơn xa hơn và nhanh hơn” trên đường thánh đức. Có lần Têrêsa muốn yêu Chúa thật nhiều như chưa bao giờ Chúa được yêu như thế. Lần khác thánh nữ lại muốn lên đường truyền giáo thật dài như đường đi của loài người mọi thời gom góp lại.

Táo bạo ở chỗ thánh nữ dù sống trong một đan viện kín cổng cao tường, như Đan viện Cát Minh Saigon đây, Ngài cũng không chịu dừng lại đôi cánh ước mơ, mà còn vươn lên những đỉnh cao thao thức, như khi một mình dưới ánh sáng Lời Chúa trong thơ 1 Côrintô chương 12, Têrêsa đã reo lên vì khám phá ra rằng: từ nay trong Giáo hội mình sẽ là trái tim, trong trái tim mình sẽ là tình yêu, và trong tình yêu mình được ở trong lòng Thiên Chúa là Cha.

Thế đó, ước mơ trẻ trung và táo bạo, như con ốc nhỏ mơ uống cả đại dương tình thương Thiên Chúa, để dù phận ốc phải chôn vùi ở đáy sâu thầm lặng, cũng vẫn hiên ngang có Chúa gần kề, và dù có phải chết trong kiếp người đi nữa, cũng vẫn tin yêu phó thác, vì như Têrêsa đã quả quyết lúc lâm chung: “Tôi không chết, nhưng tôi đi vào cõi sống”.

9

Song thân của Thánh Nữ Têrêxa HĐ. Giêsu: Nhị vị Chân Phước: Louis Martin & Marie Zelle Guérin

3. Đường nên thánh của Têrêsa còn là đường ngã nghiêng bóng cây Thánh giá.

Đẹp như tuổi thơ, đẹp như ước mơ, nhưng trên nẻo thiêng liêng ấy, Têrêsa đã gặp không ít khó khăn. Có điều là ngài chủ động tiếp nhận như Thánh giá gieo mầm cứu độ.

Chín tháng đầu tiên trong nhà kín Lisieux, Têrêsa đã cảm nhận thật nhanh hương vị Thánh giá, tức là cái giá phải trả cho sự thánh đức. Đó là những muộn phiền về gia cảnh cha già neo đơn (nhớ nhà); đó cũng là những chịu đựng trước ánh nhìn của người khác, và đó còn là những vật lộn với chính bản thân khi phải trút bỏ tất cả để thích nghi được với cuộc sống chung. Về giai đoạn này, Têrêsa tâm sự là ngài đã gặp nhiều gai nhọn hơn hoa hồng, ngài viết: “Đau khổ đã giang tay đón tôi và tôi đã gieo mình vào khổ đau với lòng yêu mến”.

GMVNGHCGTG_Full_03

Thánh Nữ Têrêxa, Nữ tu Dòng Cát Minh tại Lisieux, Pháp Quốc

Nhưng Thánh giá thường xuyên hơn cả trong suốt chín năm tu trì của ngài chính là những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn kia, như thấy mình bất toàn kiểu Phêrô: “Tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu đuối”, như thấy mình bị bỏ rơi không niềm an ủi kiểu “con tim vô tình”, như thấy mình mỏi mệt nản lòng kiểu “hai môn đệ trên đường Emmaus”. Song cũng khởi đi những Thánh giá trong lòng vốn nhiều thao thức ấy, thánh nữ khám phá ra tâm tình phó thác làm thành ý tưởng chủ đạo giúp ngài nên thánh, đó là “muốn những gì Chúa muốn”.

Đã dành, ai cũng có thể gặp đau khổ cách này cách khác, nhưng biết đón nhận đau khổ theo phong cách Têrêsa bằng niềm đam mê dâng hiến nguyện cầu truyền giáo, thì quả là đã nhận lấy Thánh giá một cách hiệu quả nhất. Đó là đường Thánh giá của hy sinh và cũng là đường Thánh giá của hy vọng.
Tóm lại, đường nên thánh của Têrêsa là một tâm tình tuổi thơ, là một ước mơ xuân trẻ, và cũng là chia sẻ tình yêu Thánh giá. Đó là trực giác một thời, nhưng cũng là bền bỉ một đời. Và trên hết là Hồng Ân Thiên Chúa. Nẻo đường ấy rất thênh thang hôm nay được đặt vào tầm tay của mọi người.
Sống tâm tình con thảo trước Chúa là Cha yêu thương gần gũi, để reo vui trước những thành công, cảm thông trước khi thất bại và quảng đại dâng hiến chẳng tiếc với Chúa bất cứ sự gì. Đó là khởi đầu tập đi trên đường thơ ấu. Vẫn biết rằng “dòng đời không êm ái như dòng sông”, như dòng tu, nhưng đẩy ước mơ lên những đỉnh cao lành thánh như góp phần hy sinh cầu nguyện cho thế giới hòa bình hơn, cho người người thương yêu nhau hơn, cho thị trường công bình hơn, cho chân lý tỏa sáng hơn, cho mình cho gia đình cho cộng đoàn được nên thánh hơn. Đó cũng là những bước chân âm thầm trên đường thơ ấu. Và với tình yêu phó thác sẵn sàng đón nhận tất cả như hồng ân, cho dẫu là hồng ân vinh quang hay Thánh giá, thể xác hay tâm hồn, cá nhân hay Giáo hội, đó chính là tuyệt chiêu trẻ trung trên đường thơ ấu Têrêsa.

therese[1]

Đường nên thánh của Têrêsa như “chiếc thang máy tình yêu” rộng mở. Ai vào, thang sẽ tự động nâng lên. Vấn đề là ta có thích bước vào hay không? Câu trả lời xin dành riêng cho từng người hôm nay. Còn bây giờ là chứng từ của cô Linsay Youce người đóng vai chính trong một cuốn phim mới về thánh Têrêsa thành Lisieux. Cô đã trở lại đạo sau khi cuốn phim được hoàn thành. Được hỏi: điều gì hấp dẫn nhất nơi Têrêsa? Câu trả lời: Đó là việc nên thánh ngay trong tầm tay của mọi người.
Mong rằng đó cũng là điều hấp dẫn chúng ta.

Giuse Vũ Duy Thống, GM Phụ tá

http://yume.vn/firstoriginal23/article/mung-kinh-thanh-nu-teresa-hai-dong-giesu-bon-mang-cua-me-35B63022.htm

——————————————————–

01-10-2014 – Mừng kính Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ ẩn tu, Tiến sĩ Hội Thánh

Mừng Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo,

Mừng Bổn Mạng Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum,

Mừng Bổn mạng Công Đoàn Têrêxa Phaolô (SPC) Kon Tum

Mừng Bổn mạng Quý Vị & Các Bạn nhận Thánh Nữ Têrêxa HĐ. Giêsu làm Thánh Bổn Mạng 1/10

P. Mai Tự Cường, Kon Tum

This entry was posted on September 30, 2014. 1 Comment

Ý chỉ truyền giáo tháng 10/ 2014

Xin cho Ngày quốc tế truyền giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới

Francis-prays-rosary

ĐTC. Phanxicô cầu nguyện với chuỗi kinh Mân Côi

Trong tháng 10 năm 2014 tháng Mân Côi cũng là tháng truyền giáo, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho Ngày quốc tế truyền giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới.

Kể từ khi được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội công giáo hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng khích lệ mọi thành phần Dân Chúa ra khỏi chính mình, ra khỏi các cơ cấu giáo xứ, giáo phận, dòng tu, phong trào và hiệp hội của mình để đến với các anh chị em sống trong ”các vùng ngoại biên”. Ngoại biên ở đây không chỉ có ý nghĩa địa lý, mà là mọi thứ ngoạị biên trong cuộc sống con người: ra khỏi chính mình để đem Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng cứu độ đến cho con người ngày nay.

chuoi-man-coiĐức Mẹ Mân Côi

Là những người đã được lắng nghe rao giảng và hưởng nếm Lời Cửu Độ của Chúa, mỗi tín hữu Kitô phải trở thành người loan báo Lời Cứu Độ của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu Kitô cho các anh chị em chưa biết Người, cho các anh chị em đã biết Người nhưng đã đánh mất niềm tin nơi Người, hay đã chối bỏ hoặc xa rời Người.

Nhưng để được như vậy, từng kitô hữu phải thật sự xác tín về niềm tin ấy và sống nó mỗi ngày. Việc loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài đòi buộc kitô hữu để cho mình được lôi cuốn bởi biến cố của Chúa Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể chịu khổ hình tử nạn trên Thập Giá, chết và sống lại. Lắng nghe, đọc, chiêm ngắm, suy niệm và sống Lời Chúa mỗi ngày là điều kiện nòng cốt để có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho tha nhân, bởi vì không ai có thể cho điều mình không có.

0-FATIMA-JP2B16

Các Đức Giáo Hoàng cầu nguyện với Đức Mẹ Mân Côi

Trong Tông huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng với các việc làm và cử chỉ của mình cộng đoàn rao giảng Tin Mừng cần bước vào cuộc sống thường ngày của người khác, thu ngắn các khoảng cách, hạ mình xuống cho tới chỗ bị nhục nhã nếu cần, và nhận lấy cuộc sống con người, bằng cách đụng chạm tới thịt xác khổ đau của Chúa Kitô nơi dân chúng. Như thế các người rao giảng Tin Mừng có được ”mùi của chiên”, và chiên lắng nghe tiếng họ. Tiếp đến, cộng đoàn rao giảng Tin Mừng sẵn sàng đồng hành với nhân loại trong mọi tiến trình của nó, dù chúng có vất vả và kéo dài tới đâu đi nữa. Cần phải biết chờ đợi lâu la và kiên nhẫn. Việc rao giảng Tin Mừng cần nhiều kiên nhẫn và tránh không để ý tới các hạn hẹp. Nó cũng luôn luôn chú ý tới các hoa trái, vì Chúa sẽ khiến cho nó được phong phú.

Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng tượng ra một sự lựa chọn truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các kiểu sống, thời giờ, ngôn ngữ và mọi cơ cấu của Giáo Hội trở thành một con kênh thích hợp cho việc rao truyền Tin Mừng cho thế giới ngày nay, hơn là để tự duy trì chính mình.

Việc cải tổ các cơ cấu đòi buộc sự hoán cải mục vụ, chỉ có thể hiểu được trong nghĩa này: làm thế nào để tất cả các cơ cấu trở thành truyền giáo hơn, để cho mục vụ bình thường trong mọi hoàn cảnh được lây lan và rộng mở hơn, để nó khiến cho các nhân viên mục vụ có thái độ thường hằng ”đi ra”, và như thế tạo thuận tiện cho câu trả lời tích cực cho tất cả những người được Chúa Giêsu cống hiến tình bạn cho. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói với các Giám Mục Đại Dương Châu: ”Mọi canh tân trong Giáo Hội phải có mục đích truyền giáo, để đừng rơi vào nguy cơ của một Giáo Hội tập trung nơi chính mình (s. 25).

DSC_0209 (600 x 399)

Giáo Xứ Tân Hương, Kon Tum mừng Lễ Bổn Mạng: Đức Mẹ Mân Côi 7-10

Trong công tác rao truyền Tin Mừng cơ cấu giáo xứ không phải là một cơ cấu lỗi thời. Chính vì tính cách rất linh động của nó, cơ cấu giáo xứ có thể mang các hình thái rất khác nhau đòi hỏi sự ngoan ngoãn và tính sáng tạo truyền giáo của vị chủ chăn và của cộng đoàn. Cả khi cơ cấu giáo xứ không phải là một cơ chế rao truyền Tin Mừng duy nhất, nếu nó có khả năng cải cách và thích ứng liên tục, nó sẽ tiếp tục là ”chính Giáo Hội sống giữa nhà cửa của con cái mình” (s. 26). Điều này giả thiết giáo xứ luôn tiếp xúc với các gia đình và với cuộc sống của dân chúng, và không trở thành một cấu trúc tách rời khỏi dân chúng, hay một nhóm những người được tuyển chọn ngắm ngía chính mình. Giáo xứ là sự hiện diện của Giáo Hội tại địa phương, là nơi lắng nghe Lời Chúa, là nơi cuộc sống kitô lớn lên, là nơi của đối thoại, của việc loan báo lòng bác ái quảng đại, của việc thờ lậy và cử hành” (s. 27). Qua tất cả các sinh hoạt của mình giáo xứ khích lệ và đào tạo các thành phần của mình để họ trở thành các tác nhân của việc rao truyền Tin Mừng. Nó là cộng đoàn của các cộng đoàn, đền thánh, nơi các người khát đến uống để tiếp tục tiến bước, và là trung tâm của việc liên tục gửi các thừa sai ra đi. Nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng lời mời gọi duyệt xét và canh tân các giáo xứ đã chưa đem lại các hoa trái đủ để các giáo xứ gần gũi hơn với con người, để các giáo xứ là các nơi chốn của sự hiệp thông sống động và sự chia sẻ, và để chúng hoàn toàn hướng về việc rao truyền Tin Mừng.

Với các tâm tình trên đây, trong tháng 10 tới này hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta cùng tha thiết cầu xin cho Ngày quốc tế truyền giáo đánh thức nơi mỗi kitô hữu sự đam mê và nhiệt huyết cần thiết để đem Tin Mừng cho toàn thế giới.

 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 26.09.2014)

http://conggiao.info/news/809/24834/y-chi-truyen-giao-thang-10.aspx