Archive | March 2018

Chúa Giêsu Hấp Hối (Mt 26, 36–46) – Tập Viện MTG. Xuân Lộc

AU-GETHSEMANIE-PAINTING

Nếu ta đã từng một lần bị bỏ rơi, cảm thấy đau khổ và cần đến người khác ở bên cạnh như thế nào, thì ta sẽ phần nào hiểu được sự cô đơn của Chúa Giêsu khi Người cầu nguyện trong vườn Cây Dầu và cần các môn đệ canh thức với Người. Khu vườn Chúa Giêsu ở lúc đó không như khu vườn đầy hoan lạc như Ađam buổi đầu – trong đó ông đã hư mất, cùng với ông là cả nhân loại. Nhưng đó là một khu vườn cực hình. Vậy mà chính nơi đây cả nhân loại nhờ Người mà được giải thoát bằng sự vâng phục trọn vẹn.

Phải nói rằng chưa hề có ai chịu khổ trong tâm hồn như Chúa Giêsu lúc này, và chưa lần nào Người lên tiếng than phiền ngoài lần duy nhất ấy. Người than thở như thể không chịu nổi cơn đau thái quá: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”(Mt 26, 38). Chúa Giêsu đã phải cần đến các môn đệ an ủi Người, ở bên Người, và dường như đây cũng là lần duy nhất Người làm như thế: “Anh em hãy ở lại mà canh thức với Thầy”. Như một lời năn nỉ, cho thấy Chúa cần các ông ở đó để cảm thông. Lúc này Người thấy yếu đuối và tổn thương vì cũng mang lấy bản tính con người. Chúa Giêsu cũng có nỗi sợ hãi của riêng mình khi đứng trước một sự đau khổ tột cùng. Người không muốn chết. Người muốn tiếp tục sống. Thế nhưng con đường của Chúa Cha muốn lại là con đường Thập giá. Vậy mà những người mà Chúa Giêsu chọn để canh thức với Người lại bỏ rơi Người trong nỗi thống khổ của đêm tối hãi hùng ấy. Người cảm thấy buồn khi quay trở lại mà thấy các ông không một ai còn thức. Như một lời trách móc, Người nói với ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao”. Và Người nhắc nhở các ông: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn”. Đức Giêsu lại tiếp tục đi cầu nguyện và khi trở lại, Người thấy họ vẫn còn ngủ, Người không đánh thức nhưng để yên cho họ ngủ. Cả hai lần cầu nguyện ấy, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu rất dữ dội đến độ đổ mồ hôi máu. Bởi Người bị giằng co giữa hai điều, một bên là ý của Người: “Nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén này”. Và một bên là ý của Thiên Chúa Cha: muốn Người cứu nhân loại bằng con đường đau khổ và bằng chính cái chết khổ hình của Người trên thập giá.

nhung loi cau nguyen2

Cầu nguyện là một cuộc chiến đấu giữa ý mình và ý Chúa. Chỉ khi hoàn toàn bỏ ý mình và tuân theo thánh ý Thiên Chúa thì lúc ấy mới có được sự bình an đúng nghĩa. Quả thế, vì hai lần cầu nguyện trước, Chúa Giêsu có thể vẫn mang trong mình ý của Người “nếu có thể được”, nên Người cảm thấy xao xuyến. Nhưng lần cầu nguyện thứ ba, Người đã biết rõ ý của Cha Người và có lẽ lần cầu nguyện ấy, Người đã bỏ đi từ “nếu” mà thay vào đó là sự vâng phục trọn vẹn. Và khi ấy, Người có được sự bình an sâu thẳm và sẵn sàng đón nhận mọi sự: “Đứng dậy, ta đi nào”. Vì thế, Chúa Giêsu không nhìn thấy trong Giuđa lòng thù nghịch của ông. Người gọi ông là “bạn”.

Mỗi người chúng ta hãy đến với Chúa bằng chính con đường Người đã đến với chúng ta, đó là con đường thập giá. Và để có được sức mạnh trên con đường ấy chúng ta hãy xin Chúa cho mình biết đặt những nỗi đau trong cuộc sống hằng ngày vào chính nỗi đau của Chúa, để cảm nghiệm được giá trị của nỗi đau, và hãy đến với Chúa bằng chính những đau khổ, những sự sợ hãi, những cực nhọc, cô đơn của mình. Nơi đó, ta sẽ nhận được chính nguồn an ủi cũng như động lực để vượt qua mọi thách đố của cuộc sống với niềm tin tưởng ta được cùng người đi chung con đường thập giá. Và chỉ khi ta từ bỏ mọi suy nghĩ tính toán cá nhân và dám buông mình hoàn toàn để phó thác theo ý Thiên Chúa, ta mới có được sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn, và khi ấy bước tiến của ta trên con đường thập giá với Chúa mới thật sự trở nên nhẹ nhàng. Khi bạn đau khổ, hãy dìm nỗi đau của bạn vào nỗi đau của Chúa, nơi ấy bạn sẽ cảm nghiệm được một tình yêu vĩ đại và một sức mạnh đủ cho bạn vác thập giá trong hành trình của bạn.

35

Lạy Chúa Giêsu, sự đau khổ trong tâm hồn Chúa quá lớn, đến nỗi hầu như đè bẹp Chúa xuống đất và Chúa phải xin với Cha hãy cất chén đắng. Có lẽ Chúa không muốn chịu đau khổ cũng như không ai trong chúng con muốn mình phải khổ đau. Thế nhưng, vì tình yêu nhân loại, Chúa đã sẵn sàng vâng phục ý Chúa Cha. Vì duy chỉ con đường ấy mới có thể đem lại ơn cứu độ cho chúng con và Chúa đã chấp nhận. Xin cho chúng con biết trung kiên đón nhận những đau khổ xảy đến trong cuộc sống chúng con, để thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa. Và qua đau khổ ấy, chúng con được bước vào hưởng vinh quang với Chúa, vinh quang mà Chúa đã đi qua con đường Thánh Giá, vinh quang mà Chúa đang chung hưởng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Nước của Cha Người. Amen.

Tập Viện MTGXL

Nguồn: Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc http://menthanhgiaxuanloc.org/index.php?route=product/product&product_id=186

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

——————————————

Video Thánh Ca Mùa Chay (xin bấm để nghe & xem)

TÂM TÌNH CA 4 – LM. THÀNH TÂM

****************

Ý NGHĨA CỦA DẦU THÁNH

 dau-lthanh

“Lễ Dầu (Missa Chrismatis) trước hết là hiến thánh Dầu Thánh – SC (Sanctum Chrisma), làm phép Dầu bệnh nhân – OI (Oleum Infirmorum) và Dầu Dự tòng – OS (Oleum Sanctum hay Oleum Catechumenorum). Dầu được thánh hiến và làm phép hôm nay sẽ được dùng cho cả năm….

Chúng ta cùng ghi nhớ việc sử dụng dầu thánh trong đời sống của dân Chúa.

chrism-mass

Trên hết là Dầu Thánh còn được gọi là Dầu Chrisma đã được Đức Giám mục hiến thánh là dầu có pha thuốc thơm và dùng trong ba bí tích có ghi ấn tín : được xức cho các tân tòng trong Bí Tích Rửa Tội, cho các kitô-hữu trong Bí Tích Thêm Sức, cho các Linh mục và một cách sung mãn cho các Giám mục trong Bí Tích Truyền Chức. Dầu này còn được dùng để cung hiến bàn thờ và nhà thờ.

Dầu Bệnh Nhân được làm phép trước hết, để xức cho các bệnh nhân. Hội Thánh xin Chúa xoa dịu thân xác các bệnh nhân, viếng thăm và làm cho các bệnh nhân được vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng, giải thoát và làm thuyên giảm những đau đớn, phù trợ những người chăm sóc, cứu thoát bệnh nhân, ban sự sống và sức khỏe cho họ.

DSC07156

Dầu Thánh OS dành xức cho các dự tòng

Dầu Dự Tòng được xức cho các dự tòng trước khi Rửa Tội, để qua việc xức dầu này, Hội Thánh xin Chúa ban sức mạnh cho các dự tòng biết chống lại tội lỗi và sự ác, tựa như người lực sĩ được xoa bóp dầu trước khi lên võ đài.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1183) nhắc đến việc cất giữ Dầu Thánh trong nhà thờ như sau :“Dầu Thánh (SC) theo truyền thống, được bảo quản và tôn kính tại một nơi chắc chắn trong cung thánh, vì việc xức dầu này là dấu bí tích cho ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Dầu Dự tòng (OS) và Dầu Bệnh nhân (OI) cũng có thể đặt chung ở đó”.

IMG_0032

Lễ làm phép Dầu Thánh tại Giáo Phận Kon Tum

Đức Cha tận tay trao các loại Dầu cho từng Giáo hạt để phân chia đến các Giáo xứ. Thánh Lễ kết thúc. Mỗi người trở về để tiếp tục với những bổn phận hàng ngày, và với những nghi lễ sẽ diễn ra trong Tam Nhật Tuần Thánh. Để cùng với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn của Ngài, từng người dâng hiến chính đời mình, dâng hiến con người tội lỗi, yếu đuối, vấp phạm của mình. Ánh sáng của sự sống lại, niềm vui của ngày khải hoàn sẽ được trao ban cho những ai trung thành bước theo Đức Kitô.

Xin cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài được như lời Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô viết trong Tông thư Năm Thánh Thể : “Hãy cố gắng cử hành Thánh Lễ hàng ngày với niềm vui và lòng sốt mến như Thánh Lễ đầu đời linh mục của các con”

Nguồn: https://www.facebook.com/HoiNhungNguoiCongGiaoConThienChua/posts/351169014984485

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Trời đã tối (Ga 13, 30b) – Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Thánh 27-3-2018

jesus-and-apostles

Tiệc Ly

(27.3.2018 – Thứ ba Tuần Thánh)

Lời Chúa: Ga 13,21-33.36-38

21 Khi ấy, đang lúc Đức Giê-su dùng bữa với các môn đệ, Người cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố : “Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”  22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su.24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo : “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?” 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi : “Thưa Thầy, ai vậy ?” 26 Đức Giê-su trả lời : “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y : “Anh làm gì thì làm mau đi !” 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y : “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

 31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

 33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘ Nơi tôi đi, các người không thể đến được ‘, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.

 36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giê-su trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” 37 Ông Phê-rô thưa : “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” 38 Đức Giê-su đáp : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.

MÁU THÁNH CHÚA

Suy Niệm

Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.

Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến

trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1. 27).

Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).

Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).

Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).

Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.

Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội. Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình. Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22). Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy, nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai. Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội. Thầy chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra. Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa. Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.

Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy, như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc. Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại. Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không ? Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi. “Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27). Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa. Thầy đã rửa chân cho anh, và còn cho anh tham dự Bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27). Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27). Giuđa ra đi lúc trời đã tối.

Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần. Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37). Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình. Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.

“Thầy đi đâu ?”, tiếng Latin là “Quo vadis ?” (c. 36).

Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai. Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma, anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy : “Thầy đi đâu vậy ?”

Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa. Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.

TIỆC LY

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Nguồn: Trích Tập Manna B của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

————————————————————————————————

Video Thánh Ca: TRỞ VỀ – Tác giả: Nguyễn Lý & Hiệp Bình

Thể hiện: Ca đoàn Thánh Tâm, GX. Tân Hương, Giáo Phận Kon Tum

(Xin mời bấm để nghe & xem)

TRỞ VỀ – Nguyễn Lý & Hiệp Bình

XIN VÂNG NHƯ MẸ !

LeTruyenTin (850 x 840)

Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ

Ed 37:21-28; Gr 31:10,11-12,13; Ga 11:45-57

XIN VÂNG NHƯ MẸ !

Tin mừng Luca thuật lại biến cố truyền tin mà hôm nay Giáo hội mừng kính. Thần sứ Gabriel đến gặp Đức Maria và trao lời cầu ngỏ. Đức Maria chỉ là một cô gái quê, cư dân thành Nazareth, không học thức cao sang, không danh giá quyền quý và chẳng có một nét ưu việt nào dưới con mắt người  đời. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, Mẹ được tuyển chọn để trở nên Thân mẫu Đấng Cứu Thế. Điều Thiên Chúa muốn luôn khác xa với sự toan tính của con người. Các ngôn sứ thời cựu ước đã từng loan báo về việc Đấng Messia sẽ được sinh ra do một trinh nữ.

Marie-2

Đức Trinh Nữ Maria

Đức Maria đã được tuyển chọn không phải do tình cờ, nhưng kế hoạch ấy đã có trong chương trình của Thiên Chúa ngay từ đời đời. Mẹ được chọn không phải vì Mẹ đã đắc thủ cho mình những nhân đức trổi trang hơn hẳn các phụ nữ khác, hay do một yếu tố lịch sử nào đó tác động từ bên ngoài.

Qua biến cố sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ Maria, Thiên Chúa đã mời gọi Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ qua việc cưu mang Đấng Cứu Thế. Trong những giây phút đầu tiên, Đức Mẹ đã bối rối và thắc mắc vì một tin vừa bất ngờ và vừa cao trọng, trong khi mình thì lại nhỏ bé. Mẹ thắc mắc vì đó là điều thật khó hiểu theo lý luận của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến người nam?”. Trước thắc mắc của Mẹ, sứ thần đã giải thích: “Vì đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được”. Đây không phải là giải thích nhằm làm thỏa mãn những lý luận của lý trí nơi Mẹ, nhưng là một gợi ý mời gọi người nghe đáp trả bằng thái độ của đức tin. Lời xin vâng của Mẹ chính là một lời đáp trả của đức tin.

Thiên Chúa đã chọn Mẹ, chỉ vì Chúa muốn như vậy, thế thôi. Ơn gọi luôn là một mầu nhiệm rất khó hiểu và dường như không thể hiểu nổi đối với đầu óc suy lý của con người. Chúa đã chọn Mẹ hoàn toàn do ý định của Ngài, và như một hệ quả tất yếu, Chúa cũng phú mặc cho mẹ những phẩm tính cao trọng, tương xứng với thiên chức ‘Mẹ Thiên Chúa’ hay‘Mẹ Đấng Cứu thế’. Tâm hồn Mẹ được gìn giữ không bị lây nhiễm bất cứ ô nhơ nào, ngay cả tội nguyên tổ. Cung lòng của Mẹ đã trở nên như ngôi đền thờ tuyệt mỹ để Ngôi Hai Thiên Chúa đến ẩn ngự.

tttt

Trước lời cầu ngỏ của thần sứ, Mẹ đã thưa : “Xin vâng – Fiat”. “Xin hãy thực hiện nơi tôi những điều Chúa muốn”. Mẹ hoàn toàn tự do để lựa chọn giữa việc chấp thuận hay chối từ nhưng sự từ chối đã không xảy ra. Lời thưa xin vâng của mẹ có một ý nghĩa sâu xa mà Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn vào đó như một quy chuẩn căn bản để thực hiện sự khiêm tốn nội tâm.

Khi nói về tầm quan trọng hai tiếng xin vâng của Mẹ, công đồng Vatican II đã lặp lại lời của các Giáo Phụ xưa rằng : Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Lumen gentium, số 56).

Thánh Bênađô thì kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavit cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Ađam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ”.

Khiêm nhường ở đây không phải chỉ đơn thuần là một đức tính nhân bản như trong xã hội hiện nay người ta vẫn hay đề cao. Nền tảng của sự khiêm tốn nơi mẹ chính là sự tự hư vô hóa chính mình để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm ngự. Mẹ thuộc trọn về Chúa, không còn giữ lại chút gì cho mình và đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa điều hướng. Một nhà tu đức đã nói: “Khiêm nhường là căn rễ của mọi nhân đức, là cửa ngõ đưa dẫn đến sự hoàn thiện”. Thánh Phêrô trong thư thứ nhất của Ngài cũng đã dạy chúng ta : “Anh em hãy trang điểm mình bằng sự khiêm nhường, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho ai sống khiêm nhường” (1P5, 5).

Trong đời sống đạo, nhiều khi ta lại lãng quên vai trò của đức tin mà đòi hỏi sự hợp lý hóa cho mọi sự. Trước các biến cố hay cả các mầu nhiệm trong đạo, ta cũng chỉ muốn giải thích chúng một cách thuần lý trí. Nói khác đi, ta chỉ chấp nhận những gì hợp lý mình mà thôi. Đức Mẹ cũng đã có thắc mắc như vậy: “Điều đó làm sao có thể?”. Nhưng rồi Mẹ đã lấy đức tin để bù lại những gì lý trí của Mẹ không thể giải thích. Chúng ta cũng được mời gọi hãy đáp lại tiếng Chúa bằng thái độ vâng phục và tin tưởng như Mẹ.

Sự vâng lời luôn luôn cần thiết: Người dưới vâng lời người trên, con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy cô, vợ chồng lắng nghe nhau… Đó không chỉ là nét đẹp của cuộc sống hằng ngày và để gia đình, xã hội có tôn ti trật tự mà còn là điều kiện để gia đình hạnh phúc và xã hội bình yên. Chúng ta thử hình dung: Nếu trong một gia đình mà con cái không vâng lời cha mẹ, vợ chồng không biết lắng nghe nhau; ở nhà trường, học sinh không vâng lời thầy cô; xã hội không có trên dưới… thì gia đình, nhà trường, xã hội đó sẽ như thế nào? Thực tế cho chúng ta thấy, vì không biết vâng lời cho nên con cái hư hỏng, trò đánh thầy, hỗn loạn nhiều nơi trong xã hội chúng ta đang sống.

Nhờ tiếng xin vâng của Mẹ Maria, nhân loại đã bước sang một trang sử mới là trang sử Cứu Thế. Ngày hôm nay, để viết lên những trang sử đẹp, rất cần nhiều tiếng thưa xin vâng trong gia đình, Giáo hội và xã hội. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta biết noi gương Mẹ, chấp nhận hy sinh để luôn thưa xin vâng trong những điều đẹp ý Chúa.

Huệ Minh

Nguồn: http://giaoxutanviet.com/xin-vang-nhu-me-2/

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

———————————————————————————

Video Thánh Nhạc:

Từ lúc Mẹ nói lời Xin Vâng – Fiat

Annunciation

Nhạc & Lời: Trầm Hương – Ca sĩ: Mai Hậu

Từ lúc Mẹ nói lời XIN VÂNG – Trầm Hương

5cb3976cf155f72cff509e6a0fbabc7b

Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa,

Xin cầu cho chúng con!

———————————————————————————————————————

LỄ TRUYỀN TIN (25-3-2018) trùng vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (25-3-2018), nên Lịch Công Giáo Giáo Phận Kon Tum ấn định mừng Lễ Truyền Tin vào ngày Thứ Hai 09-4-2018, sau Chúa Nhật II Phục Sinh B 08-4-2018! Kính báo!

19-3 – MẪU GƯƠNG GIUSE GIA TRƯỞNG

joseph_jesus_mary

Ngày nay, khi nói đến từ “gia trưởng”, người ta thường nghĩ ngay đến một người đàn ông độc đoán, cứng nhắc, kiêu ngạo, áp đặt ý chí của mình lên người khác! Thật ra bản thân “gia trưởng” chỉ có nghĩa là người chủ gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có yên ấm hạnh phúc thì xã hội mới ổn định, đất nước mới hưng thịnh. Ngược lại, gia đình lục đục khiến xã hội rối ren, đất nước chậm phát triển.

Con người không thể sống cô độc, nhưng cần thiết phải biết nương tựa vào nhau. Khi chung sống quây quần bên nhau, cần có người đứng đầu, lãnh đạo. Gia đình cũng thế, trong lịch sử có những bộ tộc, dân tộc theo chế độ mẫu hệ dành vị trí này cho người phụ nữ. Nhưng thông thường – cũng như trong gia đình truyền thống Việt Nam – vị trí quan trọng này được dành cho người đàn ông, người cha trong gia đình.

Tùy theo nhận thức, trình độ học vấn, quan hệ xã hội … mà người gia trưởng khi điều hành gia đình được (hoặc bị) đánh giá tốt hoặc xấu. Quan niệm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều bắt nguồn từ việc “tu thân”, nghĩa là việc tu dưỡng đạo đức. Nhiều gia trưởng quá say mê trong việc hành xử quyền gia trưởng, quên việc tu thân nên đã vô tình tạo tiếng xấu cho từ “gia trưởng”.

AugustineTuanBao

Nhưng tu thân như thế nào thì tùy theo quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như nhiều lãnh vực khác nhau. Đối với các gia trưởng Công giáo, mẫu gương tu thân tuyệt vời của Thánh Giuse bổn mạng đáng để chúng ta suy gẫm và thực hành. Ngài đã sống một cuộc đời bình thường của một gia trưởng, cầu nguyện và lao động để bảo vệ, nuôi dưỡng gia đình Nazaret.

Thánh nhân đã cầu nguyện liên lỉ suốt cuộc đời. Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, đặc biệt là những khi gia đình thánh gặp phải sóng gió. Nhờ đó ngài luôn nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành. Khi lo âu buồn phiền, khi mừng vui hoan hỉ, Giuse đều chạy đến cầu nguyện với Chúa để đón nhận thánh ý của Người.

giuse-08 (1)

Trong công việc thợ mộc, thánh Giuse tiếp xúc với nhiều người, làm những việc khác nhau tại xưởng nhà cũng như tại bất cứ nơi đâu người ta gọi tới. Dù có phải lao động đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt, …. Ngài vẫn không ngừng luyện tập để sống có trách nhiệm và đạo đức, luôn chọn những điều có ích cho người khác để làm gương cho “cậu bé” Giêsu.

Trong xã hội hiện đại, vai trò gia trưởng được thể hiện đa dạng và có nhiều thử thách khắc nghiệt hơn. Thật khó để chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành gia đình mà không bị mang tiếng là có “thói gia trưởng”. Có người nói rằng một người chồng tốt có thể là người cha tốt, nhưng một người cha tốt chưa chắc đã phải là một người chồng tốt và cả hai trường hợp chưa chắc đã là một gia trưởng tốt!

ITE AD JOSEPH

Ite ad Joseph! – Hãy đến cùng Giuse!

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi yết kiến chung ngày 28/1/2015 đã than phiền: “Thật buồn là trong xã hội hiện nay, chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng nơi cương vị làm cha. Trong quá khứ, thông lệ phổ biến là nhận thức về hình ảnh người cha như là một người độc tài và đôi khi hà khắc; còn ngày nay, chúng ta có cảm tưởng về một sự không chắc chắn và lẫn lộn nơi vai trò của người cha”. Ngài kêu gọi những người làm cha phải có trách nhiệm, và cho rằng những bậc làm cha cần thiết phải nên như mẫu gương và là người hướng dẫn cho con cái trong sự khôn ngoan và đạo đức.

Xin thánh Giuse bổn mạng phù hộ cho bậc gia trưởng, để họ có thể xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng, ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình. Amen.

Tác giả:  Jos. Hoàng Mạnh Hùng

CGVN

Nguồn: http://giaoxutanviet.com/mau-guong-giuse-gia-truong/

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa Mùa Chay 2018

Chủ đề: “Nơi Chúa Có Sự Tha Thứ

DSC06915

Giờ Chầu “24 giờ cho Chúa” ngày Thứ Sáu 9-3-2018 tại nhà thờ Phương Nghĩa, GP. Kon Tum

Kính thưa cộng đoàn,
Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Để giúp con cái mình lĩnh được nhiều ơn ích, ngoài những phương thế Giáo hội vẫn đề ra như : ăn chay, cầu nguyện và làm phúc, vị cha chung của Giáo hội là Đức Thánh Cha còn ban hành sứ điệp như là kim chỉ nam để giúp các tín hữu sống trong Mùa Chay Thánh.
Mùa Chay năm nay với chủ đề trích từ Tin Mừng theo thánh Mathêu: Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người trở nên nguội lạnh” (Mt 24,12).
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu trong Mùa Chay này hãy cầu nguyện, làm phúc bố thí và chay tịnh cho nên, vì đó là những phương dược ngọt ngào trong Mùa Chay Thánh.
Ngài viết : “Tôi mời gọi các phần tử của Giáo Hội hãy nhiệt thành tiến bước trên con đường Mùa Chay, được nâng đỡ nhờ các hoạt động làm phúc bố thí, chay tịnh và kinh nguyện. Nếu đôi khi lòng bác ái dường như bị tắt lịm trong bao nhiêu tâm hồn, thì nó vẫn không bị lịm đi trong con tim của Thiên Chúa! Ngài luôn ban cho chúng ta những cơ hội mới để chúng ta có thể tái bắt đầu yêu thương.
Cầu nguyện giúp tâm hồn chúng ta khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình, để chúng ta đi tìm kiếm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng muốn cho chúng ta được sống.
Làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp chúng ta khám phá ra tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Đức Thánh Cha cho biết ngài “ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người”.
Sau cùng là việc ăn chay. Việc giữ chay sẽ giải tỏa bạo lực của chúng ta, và là cơ hội quan trọng để tăng trưởng. Chay tịnh cũng giúp chúng ta cảm nghiệm điều mà nhiều người khác đang thiếu thốn, thiếu những điều cần thiết và bị đói. Chay tịnh biểu lộ tình trạng tinh thần của chúng ta, đang đói khát lòng từ nhân và sự sống của Thiên Chúa. Chay tịnh đánh thức và làm cho chúng ta chú ý hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy ý chí vâng phục Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.
Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là : nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa.

DSC06917

Giờ Chầu “24 giờ cho Chúa” ngày Thứ Bảy 10-3-2018 tại nhà thờ Phương Nghĩa, GP. Kon Tum

Đức Giáo hoàng còn có sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ năm 2018 này với chủ đề lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Vịnh 130 câu 4 là “Nơi Chúa có ơn tha thứ”. Đức Thánh Cha viết: “Một trong những khoảnh khắc của ân sủng đó lại một lần nữa xảy đến trong năm nay là sáng kiến ‘24 Giờ cho Chúa’, trong đó mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể.
Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha đã giải thích về ý nghĩa của sáng kiến này và thời gian cử hành như sau:
“Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa,’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hòa giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa.

Tha thu

Tha Thứ

Công bố lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh  (Mt 18, 21 – 35)

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”. Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia. Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

16-1-1

Suy niệm:

Ch đề: Hãy tha th vì ta cn Chúa th tha

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Thày Giêsu: “Lạy Thày, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bẩy lần không ?” (Mt 18, 21). Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình 3 lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ IV thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!

Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22)

Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền  nhỏ.

Chúa Giêsu tuyên bố : “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).

suy-niem-lc-15-1-3-11-32

Lc. 15, 20b

Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”. Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận. Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác: “Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao ? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”(Sir 27, ). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.

Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói : Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.

Ước gì mỗi người chúng ta, để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa – tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.

0002

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”

Lc. 22, 34a

Cầu Nguyện:

Lạy Thiên Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, xin dạy con bài học nhân ái, độ lượng và thứ tha, để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai đã xúc phạm, gây ra đau khổ cho con, xin giúp con luôn tha thứ cho mọi người vô tình hay hữu ý xúc phạm tới con. Amen.

Trích: http://www.giaophanhunghoa.org/vi/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-khac/2018/03/81E0128D/gio-chau-thanh-the-24-gio-cho-chua-mua-chay-2018/

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

 

CHUỘNG TỐI HƠN SÁNG – Suy niệm Lời Chúa CN IV Mùa Chay B 11-3-2018

Lời Chúa Ga 3, 14-21 (bằng hình)

CN IV MC_0

BLent4Vs

(Trích trong ‘Manna B’)

Suy Niệm

Cúp điện bất ngờ là điều gây khó chịu.

Trong bóng tối, người ta đi tìm hộp quẹt, tìm ánh sáng để thắp lên một ngọn nến, một cái đèn dầu. Nói chung chẳng ai thích bóng tối, vì bóng tối là dấu hiệu của lạc hậu, thiếu văn minh.

Ấy thế mà cũng có những người mê bóng tối. Bóng tối của quán bia ôm, của Karaokê, của sàn nhảy… Phải bỏ tiền ra để mua được bóng tối. Bóng tối đồng lõa, che đậy, lấp liếm, làm mặt nạ. Bóng tối trong tâm hồn cần có bóng tối ở ngoài. Nó sợ ánh sáng làm lộ chân tướng.

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.”

Ghét ánh sáng, chuộng bóng tối: đó là thảm kịch nơi lòng con người, bởi lẽ con người được sinh ra để sống cho ánh sáng.

Lắm khi người ta từ chối tin vào Đức Kitô, từ chối đến với ánh sáng và sự thật, chỉ vì đời họ chìm trong bóng tối và giả trá. Những lý do biện minh cho sự từ chối này thường đến sau khi đã chọn lựa.

Cần thay đổi cuộc sống để tin hơn vào Thiên Chúa, nhưng cũng cần can đảm đến với ánh sáng dù biết mình đang chìm trong bóng tối; hay đúng hơn, vì biết mình nô lệ cho bóng tối mà ta khao khát vươn tới ánh sáng.

c3a1nh-le1bbada

Đừng trốn chạy ánh sáng như Ađam, Evà. Hãy để cho ánh sáng vén mở chính mình, bắt ta đối diện với sự thật trần trụi về mình, để rồi ta được rực rỡ trong niềm vui.

Chỉ có một cách ra khỏi bóng tối đó là trở lại với ánh sáng, bằng cách ngước nhìn lên…

Dân Do Thái xưa trong sa mạc đã được chữa lành nhờ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ.

Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời nhờ tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên thập giá.

Thập giá là tột cùng của nhục nhã đớn đau, nhưng cũng là biểu hiện tuyệt vời của một tình yêu.

Kitô hữu không phải là người tôn thờ đau khổ, nhưng là người say mê tình yêu: tình yêu của Cha khi trao ban người Con yêu dấu, tình yêu của Con khi hiến tặng mạng sống mình.

Nhiều nơi đã đặt tượng Chúa phục sinh trên thập giá, nhờ đó bầu khí nhà thờ tươi vui hơn. Nhưng ta vẫn không được quên nhìn lên thân xác bầm tím nát tan của Đức Giêsu trên Núi Sọ.

Ước gì tôi biết nhìn lên tình yêu bị treo và trở lại với ánh sáng để ánh sáng đưa tôi vào sâu hơn trong tình yêu.

8903

Gợi Ý Chia Sẻ

Trong tôi có ánh sáng và bóng tối; ngoài ra còn có nhiều bóng mờ, nơi không sáng hẳn hay tối hẳn. Bóng mờ dễ chuyển thành bóng tối. Bạn có thấy một số bóng mờ trong đời bạn không? Chúng nguy hiểm đến mức nào?

Thế giới hôm nay tràn ngập ánh sáng của đèn điện. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối đang rình rập các bạn trẻ. Bạn có gặp bóng tối nào không?

nenfinalui

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Tạ ơn Chúa đã cho chúng con ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng. Đó là vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối của hận thù và bất công, của buồn phiền và thất vọng.

Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, và biết vâng theo những soi sáng của Chúa qua từng giây phút của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu,

cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới và trong lòng chúng con.

Ước gì chúng con đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa. 

Nguồn: Trích Tập Manna B của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường