Archive | October 2018

11-10 – GHCGVN Kính Thánh Phêrô LÊ TÙY, Linh mục tử đạo (1773-1833)

Thánh Phêrô LÊ TÙY, Linh mục (1773-1833)

PheroLETUY

Lưu niệm đạo đức

Nếu xưa trong Kinh Thánh có chuyện cụ già Eleazarô không thèm “giả bộ ăn của cúng” để được tha chết (2 Mac 6,18 -28) thì ở Việt Nam cùng có thánh Phêrô Lê Tùy không khai man mình là y sĩ, không giấu chức vụ mình là linh mục theo yêu cầu của quan địa phương, để được sống còn. Như cụ già Do Thái xưa, cái chết của cha để lại cho giáo hữu Việt Nam và toàn cầu một lưu niệm sâu xa về đạo đức.

Phêrô Lê Tùy sinh trưởng trong một gia đình nề nếp khá giả làng Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Năm 1773, năm cậu mở mắt chào đời cũng là năm hai thánh  linh mục Vinh Sơn Liêm và Castanẽda Gia lãnh triều thiên tử đạo tại Hà Nội do án xử của chúa Trịnh Sâm. Cảm kích trước tấm gương hào hùng ấy, khi cậu lớn lên, song thân đã lo liệu gởi cậu theo học tại chủng viện Nam Định. Trong những năm học, cậu tỏ ra rất thông minh, khôn ngoan và đạo đức. Sau khi lãnh chức phó tế, thày Phêrô được cử đi giúp Đức cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An. Ít lâu sau, thày thụ phong linh mục, làm phó xứ Đông Thành, Chân Lộc, rồi làm chánh xứ Nam Đường.

Cha Phêrô Tùy là một  linh mục vui tính, hiền hòa và rất nhiệt thành trong sứ vụ chủ chăn. Dù ở đâu, dù chức vụ nào, cha cũng luôn sốt sắng chu toàn nhiệm vụ của mình. Đức cha Hậu đã có lần khen ngợi những đức tính và hoạt động của cha, ngài nói: “Không ai là không hài lòng với cha Tùy”. Trong 30 năm liền, nhà truyền giáo Lê tùy hoạt động công khai đắc lực phục vụ giáo hội Việt Nam. Nhưng như mọi  linh mục khác, từ khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc ngày 06.01.1833, cha phải hoạt động âm thầm trong bóng tối.

Phúc trọng không dám mong

Ngày 25.6.1833, cha Tùy đến xức dầu cho một bệnh nhân gần chết ở họ Thanh Trai. Đây là một họ đạo nhỏ, chen giữa làng mạc của lương dân. Một nhóm người ngoại giáo đã bắt cha nộp cho  quan huyện Thanh Phương. Giáo hữu điều đình bỏ tiền xin chuộc, nhưng quan đặt điều kiện cha phải khai mình là thày thuốc, chứ không phải là linh mục. Cha Tùy cho rằng khai man như thế không tốt, nên khẳng khái từ chối. Cha bị đóng gông áp giải về tỉnh đường Nghệ An. Suốt thời gian trong tù, lúc nào cha cũng giữ được nét vui tươi, hồn nhiên, can đảm trước mọi khổ nhục. Thái độ đó làm nhiều người thán phục.

Một hôm quan án đòi cha ra công đường và nói: “Ông là đạo trưởng Gia Tô ?”. Cha đáp: “Phải, tôi là đạo trưởng”. quan nói ngay: “Ông nghe ta đi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn. Không ai muốn ông phải án tử hình, ta đây cũng vậy. Bây giờ ông nghe ta, làm một tờ khai nói mình là lang y chữa bệnh, có thế ta mới cứu ông được”. Cha Tùy trả lời: “Tôi không sợ chết, vì chết cách nào tôi cũng không ngại. Ai cũng phải chết. Dù chết trên chăn êm nệm ấm, dầu bị cọp tha cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi; cho nên tôi không sợ chết”. Vì kính trọng cha đã 60 tuổi, quan không truyền đánh đòn, chỉ đưa cha về ngục.

Suốt ba tháng tù, cha được mọi người, từ quan tới lính, cùng các tù nhân khác quý mến. Họ nói với nhau: “Một người hiền từ nhân đức như vậy, mà bị giam như một phạm nhân gian ác, thật là không phải. Chúng mình chịu án phạt đã đành, chứ ông ấy nào có tội tình gì ?” Các quan nhiều lần cho người dụ dỗ cha khai mình là y sĩ để khỏi chết, nhưng trước sau cha vẫn xác định mình là  linh mục.

Thời đó, luật nhà nước cấm xử tử những người từ 60 tuổi trở lên. Đàng khác, đây lại là thời kỳ đầu cuộc bách hại, nên chính các quan khi làm sớ báo tin về kinh đô, chỉ nghĩ tội nhân sẽ phải nộp tiền phạt thôi. Ai ngờ, vua Minh Mạng bất chấp luật lệ truyền  thống nhân đạo của dân tộc. Ngày 10.10.1833, các quan tỉnh Nghệ An nhận được sắc chỉ của vua “Tên Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dạy tà đạo cho dân, phải trảm quyết”.

Một tín hữu nghe tin liền chạy đến nhà giam báo cho “tử tội” biết. Cha Tùy không chút lo sợ, chỉ hỏi lại cho chính xác, rồi vui vẻ nói: “Bấy lâu nay thật tôi không dám đợi trông ơn lớn lao như vậy”. Ngài dùng bữa tối như  thường lệ, rồi lặng lẽ một mình, tránh mọi cuộc tiếp xúc để dọn mình lãnh triều thiên tử đạo.

Về nơi vĩnh phúc

Sáng hôm sau 11.10.1833, ngày giáo hội thời đó kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cha Tùy tiến ra pháp trường chợ Quân Ban như đi dự hội, vẻ mặt vui hớn hở, đến nỗi dân đi xem và quân lính đều nói: “Xưa nay chưa thấy ai bị đem đi xử mà lại can đảm như thế”. Một giáo hữu trải chiếu ra, chứng nhân Đức Kitô quỳ xuống cầu nguyện, bên cạnh là người lính cầm thẻ bài bằng gỗ ghi bản án: “Can phạm từ lâu học điều dị đoan, xưng mình là Đạo trưởng, lẩn trốn trong dân để quyến rũ. Bắt được đã tra xét kỹ càng. Lệnh xử chém tức khắc để răn kẻ khác”.

Một tín hữu, ông Bernađô Thu đến xin quan đừng xử vội, để cha cầu nguyện giây lát. Quan đồng ý và đưa mấy quan tiền cho theo tục lệ vua ban cho tử tội mua sắm ăn bữa sau cùng. Cha Tùy không nhận, tiếp tục cầu nguyện ít phút nữa. Sau đó, ông Thu đến lạy cha bốn lạy và nói: “Giờ đây, cha sắp được về nơi vĩnh phúc đã bao lâu trông đợi. Phần con, con ở lại chốn khóc lóc này, xin cha nhớ đến con”. Vị  linh mục cũng lạy bốn lạy bốn lần đáp lễ và khuyên: “Hỡi con, con hãy bền lòng vững chí, rồi con cũng được phần thưởng muôn đời”. Cảnh cha con từ biệt làm nhiều người xúc động đến rơi lệ.

Sau đó, cha nói với quân lính: “Tôi đã sẵn sàng”. Tiếng thanh la vừa dứt, một người lính vung gươm, đầu vị tử đạo rơi xuống, trong khi linh hồn vút cao về Trời. Các tín hữu xin thi thể cha, khâm liệm vào áo quan, rước về nhà xứ Tràng Nứa và an  táng ở đấy. Sau này họ dời hài cốt  cha về xứ Yên Duyên, rồi đưa về nguyên quán ngài là Bằng Sở. Nhiều người đến kính viếng mộ ngài đã được ơn lạ. Ông Bernađô Thu cũng làm chứng nhiều bệnh nhân được khỏi nhờ cầu nguyện với cha Lê Tùy.

Ngày 27.05.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Lê Tùy lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Nguồn: http://giaophanvinhlong.net/thanh-phero-le-tuy-linh-muc-17731833.html

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Video Thánh Ca Mừng Kính Cha Thánh Phêrô Lê Tùy

HÁT KÍNH THÁNH PHÊRÔ LÊ TÙY

———————-

11-10 – Lễ kính nhớ Thánh GIOAN XXIII, Giáo Hoàng, Đấng khai mở Công Đồng Vatican II

Lễ nhớ không buộc

thanh gioan xxiii

Đức Gioan XXIII, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola.

Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh được rửa tội, lấy tên là Angelo Giuseppe, người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu. Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội, nên sau khi học bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana. Ngày 07.11.1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo, nơi đó cậu được xếp vào năm thứ ba của bậc trung học. Sau một khởi đầu khó khăn vì chưa được chuẩn bị đầy đủ, cậu tiến nhanh trong việc học tập và huấn luyện thiêng liêng, nhờ đó các bề trên đã chuẩn nhận trước khi kết thúc năm thứ mười bốn để thầy được lãnh nhận chức cắt tóc. Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thì vào tháng Giêng năm sau, thầy được gửi về Roma vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo. Tuy phải thi hành nghĩa vụ quân sự tại Bergamo từ ngày 30 Tháng 11/1901, việc huấn luyện chủng sinh cũng đặc biệt mang lại kết quả tốt đẹp.

Ngày 13 tháng 7 năm 1904, khi còn rất trẻ, mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học. Với sự nhận xét đặc biệt của các bề trên, ngày 10 tháng 8 năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, dịp này ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo hội. Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng Hai năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám Mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Radini Tedeschi. Mười năm làm việc hết mình bên cạnh một giám mục có thẩm quyền, rất năng động và đầy sáng kiến, giúp cho giáo phận Bergamo trở nên một mô hình cho Giáo Hội Ý.

Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Từ năm 1906, ngài còn đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong chủng viện: lịch sử giáo hội, giáo phụ và biện giáo; từ 1910, ngài cũng phụ trách môn thần học cơ bản. Ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngưng nghỉ, ngài vẫn tiếp tục làm những công việc đó đến năm 1914. Việc học hỏi về lịch sử đã giúp ngài viết một số nghiên cứu lịch sử địa phương, như xuất bản những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo hoàng. Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp những Phụ nữ Công giáo.

Cái chết bất ngờ của Đức Giám mục Radini năm 1914 chấm dứt một kinh nghiệm mục vụ tuyệt vời của ngài, mặc dù gặp một vài đau khổ chẳng hạn như những lời buộc tội vô căn cứ chống lại ngài từ chủ nghĩa hiện đại, vị Giáo hoàng tương lai Gioan XXIII luôn xem như điểm quy chiếu chính qua các công việc được trao phó theo từng giai đoạn. Chiến tranh bùng nổ vào năm 1915, ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ trong việc chăm sóc thương binh tại các bệnh viện ở Bergamo, và ngài đã có những việc làm rất anh hùng. Vào tháng Bảy năm 1918, ngài sẵn sàng phục vụ cho những người lính bị bệnh lao, dù biết rằng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Thanh Gioan XXIII Giao hoang 11-10

Hoàn toàn bất ngờ với lời mời của Đức Giáo hoàng về phụ trách công việc của Bộ Truyền giáo tại Ý, trong khi ở Bergamo. ngài mới bắt đầu kinh nghiệm Nhà sinh viên, một nơi vừa nội trú, vừa học viện, và đồng thời ngài cũng làm linh hướng trong chủng viện. Sau nhiều do dự, ngài đã nhận lời và bắt đầu công việc cách thận trọng và tế nhị đối với những liên hệ với các tổ chức truyền giáo đã có. Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Roma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.

Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952. Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Rome vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria với nhiệm vụ giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó. Khởi đầu công việc và tiếp tục cả hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngài đã tái tổ chức được Giáo Hội Công giáo, phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria. Vào ngày 27 tháng 11.1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican. Khác với Hy Lạp, nơi mà Đức Roncalli không mang lại một kết quả nào đáng kể, trái lại quan hệ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dần dần có được một sự hiểu biết và sẵn sàng thể hiện được nhờ việc đón nhận những đường lối chính trị độc lập với tôn giáo của chính phủ. Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một vài lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople, đó là những lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã giữ được một thái độ thận trọng của tính trung lập, nhờ vậy ngài mới thực hiện được một công việc thật hữu hiệu, là giúp cho cộng đoàn Do Thái, cả hàng ngàn người, khỏi bị diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.

Thật bất ngờ với quyết định của Đức Piô XII, ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris, nơi ngài đặt chân đến với nhiều lo lắng vào 30 tháng 12 năm 1944. Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi ngài. Chính phủ lâm thời đòi phải thoái vị ba mươi giám mục, bị buộc tội hợp tác với chính phủ Vichy. Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm. Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nể trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris, nơi mà Ngài đã thiết lập được những mối quan hệ thân thiện với một số chính khách của chính phủ Pháp. Hoạt động ngoại giao của ngài cũng mang một ý nghĩa mục vụ rõ ràng qua các lần viếng thăm tại nhiều giáo phận của nước Pháp, kể cả nước Algeria.

Tiếng vang và lòng nhiệt thành tông đồ của Giáo hội Pháp, qua kinh nghiệm của các linh mục thợ, làm cho Đức Roncalli phải chú ý như một nhà quan sát thận trọng và khôn ngoan, ngài cho rằng cần phải có một thời gian để xem xét trước khi có quyết định dứt khoát.

Với lối sống vâng phục của mình, ngài đã sẵn sàng vâng theo lời đề nghị thuyên chuyển về Venice, nơi ngài đã đến nhậm chức vào ngày 5 tháng 3 năm 1953, lúc mới được nâng lên tước vị Hồng y theo quyết định trong Công Nghị cuối cùng của Đức Piô XII. Thời gian làm giám mục của ngài được mọi người biết đến qua những nỗ lực làm việc và hoàn thành nhiệm vụ giám mục cách tốt đẹp như thăm viếng mục vụ và cử hành Công nghị giáo phận. Việc ôn lại lịch sử tôn giáo của Venezia giúp ngài thêm những sáng kiến mục vụ mới, chẳng hạn như kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh, làm việc theo gương của vị giáo chủ kỳ cựu, thánh Lorenzo Giustiniani, mà ngài đã long trọng cử hành việc tưởng nhớ trong năm 1956.

Gioan XXIII

Việc bầu một vị Giáo hoàng bảy mươi bảy tuổi vào ngày 28 tháng 10.1958, đó là Đức Hồng y Roncalli, kế vị Đức Piô XII, làm nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp. Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã chứng tỏ một lối sống đầy nhân bản và con người linh mục của mình đã chín muồi qua những kinh nghiệm ý nghĩa. Ngoài việc khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, ngài còn hết lòng cho công việc mục vụ theo sứ mạng của mình, bằng cách nhấn mạnh đến bản chất giám mục với tư cách là Giám Mục Rôma. Xác tín rằng việc quan tâm trực tiếp đến giáo phận là một phần thiết yếu của sự vụ Giáo hoàng, nên ngài dành nhiều thời gian gặp gỡ các tín hữu qua việc viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù. Qua việc triệu tập Công nghị giáo phận, ngài muốn bảo đảm chức năng hoạt động của các cơ cấu giáo phận bằng cách tăng cường các giáo hạt và bình thường hóa đời sống giáo xứ.

Gioan XXIII Giao hoang

Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII, chắc chắn là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01.1959. Đó là một quyết định mang tính cách cá nhân của Đức Giáo hoàng sau khi tham khảo ý kiến với một số vị thân cận và với vị Quốc vụ khanh, là Đức Hồng y Tardini. Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng mười năm 1962: không phải là để xác định những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm hiện thời. Trong chiều hướng nhằm có được một sự cập nhật về tất cả đời sống của Giáo hội, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã mời gọi hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, hơn là lên án và phản đối trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội, đón nhận tất cả mọi người. Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, không thể loại trừ các giáo hội Kitô khác, họ cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn. Trong giai đoạn đầu tiên, người ta có thể nhận thấy rằng Đức Gioan XXIII muốn một Công đồng có tranh luận thật sự, biết tôn trọng các quyết định sau khi mọi tiếng nói đã được trình bày và thảo luận.

John 23

Vào mùa xuân năm 1963, ngài được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, chứng tỏ những việc làm của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như việc nhất quyết can thiệp của ngài nhân cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962. Uy tín và sự ngưỡng mộ chung, người ta có thể thấy được trong những tuần lễ cuối đời ngài khi cả thế giới đều lo lắng hướng về quanh ngài lúc hấp hối và đau buồn nhận tin ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963.

Phòng Báo chí Tòa Thánh

Linh mục Augustinô chuyển ngữ

Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/hanh-cac-thanh/12568-ngay-11-10-thanh-giao-hoang-gioan-xxiii.html

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”- Suy niệm & Ý Nghĩa KINH LẠY CHA – 10-10-2018

KINH LẠY CHA

PHÚC ÂM: Lc 11, 1-4
“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:

‘Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’ “.

Đó là Lời Chúa.

Suy Niệm:

“NGÀY KIA, CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN Ở MỘT NƠI KIA. KHI NGƯỜI CẦU NGUYỆN XONG, CÓ MỘT MÔN ĐỆ THƯA NGƯỜI RẰNG: “LẠY THẦY, XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN NHƯ GIOAN ĐÃ DẠY MÔN ĐỆ ÔNG”

“CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN Ở MỘT NƠI KIA”.

“Ở một nơi kia”, đó là nơi nào, Luca không xác định.

Chính vì không xác định nơi chốn rõ rệt, Luca muốn nói với ta rằng: Ta có thể cầu nguyện bất cứ nơi nào.

Đâu phải cứ vào trong nhà thờ, quỳ trước bàn thờ Chúa ta mới cầu nguyện, mà ta có thể cầu nguyện bất cứ nơi đâu vì Thiên Chúa có mặt ở khắp mọi nơi, Ngài vẫn nghe ta nói chuyện và tâm sự với Ngài, ngay cả khi trên đường đi làm, ở nơi chợ búa, nơi làm việc. trong học đường,… Ở bất cứ nơi nào ta cũng có thể cầu nguyện được.

“KHI NGƯỜI CẦU NGUYỆN XONG, CÓ MỘT MÔN ĐỆ THƯA NGƯỜI RẰNG”.

Trong Phúc âm của Luca ta bắt gặp Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều lần và có sự chứng kiến của các môn đệ.

Có thể nói Phúc âm của Luca là PHÚC ÂM CẦU NGUYỆN.

Các ông quan sát, chiêm ngưỡng thái độ ngây ngất của Chúa Giêsu trong lúc cầu nguyện. Họ không dám quấy rầy Ngài mà chờ cho Ngài cầu nguyện xong. Chính trạng thái ngây ngất của Chúa Giêsu đã cuốn hút và lan toả sang các môn đệ. Và khi Chúa Giêsu cầu nguyện xong một môn đệ đã đến thưa với Ngài.

Người môn đệ này là ai, Luca cũng không xác định. Đó có thể là người đại diện cho các môn đệ, cũng có thể là ta. Ta cũng ao ước được cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng.

“LẠY THẦY, XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN NHƯ GIOAN ĐÃ DẠY MÔN ĐỆ ÔNG”.

Lời đề nghị của môn đệ này vô tình cho chúng ta biết nhiều điều:

1/. Ông Gioan Tẩy giả luôn chú trọng đến việc cầu nguyện và ông đã dạy cho môn đệ của ông biết cầu nguyện. Các giáo trưởng Do Thái cũng thế, họ vẫn dạy cho các môn sinh cầu nguyện bằng các bài kinh họ đưa ra.

2/. Hình như Chúa Giêsu chưa dạy cho các môn đệ cầu nguyện. Ngài chưa chú trọng vấn đề này nên mới có môn đệ nói ra yêu cầu đó.

Nếu đúng vậy, thì việc dạy dỗ , đào tạo các môn đệ của Chúa Giêsu hình như có một lỗ hổng, một thiếu sót trầm trọng?.

Thực sự không phải vậy, vì cầu nguyện luôn là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh. Nhưng vấn đề người ta có nhận ra đó là một như cầu thực sự cho mình không, đó mới là vấn đề quan trọng.

Bao lâu ta chưa ý thức điều đó, thì ta chưa thể cầu nguyện.

Không phải Chúa Giêsu không dạy cho các môn đệ cầu nguyện, mà Ngài chờ cho các ông nói ra điều đó, khao khát nhu cầu đó, Ngài mới dạy cho các ông cầu nguyện.

Cau nguyen1

KINH LẠY CHA:

“KHI CÁC CON CẦU NGUYỆN, HÃY NÓI: ‘LẠY CHA, NGUYỆN XIN DANH CHA CẢ SÁNG. NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN.

XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY. VÀ THA NỢ CHÚNG CON, NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA MỌI KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON. XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ”.

“KHI CÁC CON CẦU NGUYỆN, HÃY NÓI”.

Để đáp ứng lời đề nghị của môn đệ: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Có lẽ người môn đệ này có ý muốn xin Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện giống như lời cầu nguyện mà Gioan Tẩy Giả đã dạy các môn đệ.

Luca cũng không tường thuật Gioan Tẩy giả đã dạy môn đệ ông cầu nguyện thế nào, phải nói những gì.

Chúa Giêsu cũng không đề cập đến nội dung lời cầu nguyện của Gioan mà Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện theo ý Ngài muốn

“KHI CÁC CON CẦU NGUYỆN, HÃY NÓI”.

Chắc chắn đây là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất vì được chính Con Thiên Chúa truyền dạy.

Vâng đây là KINH LẠY CHA rất quen thuộc đối với mỗi tín hữu, được chính Chúa Giêsu truyền lại. Nó thuộc dạng kinh điển mà bất kỳ người tín hữu nào cũng thuộc.

Nó thường được đọc khi bắt đầu một cuộc họp, bắt đầu một bữa ăn để xin Chúa chúc lành, đọc trong các nghi thức Phụng vụ, đọc trong Thánh lễ, đọc trong các buổi cầu nguyện, trong các giờ kinh,…

Kinh Lạy Cha nói lên mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, nó cũng nói lên mối tương quan giữa con người với nhau và cuối cùng nói lên nhu cầu chính đáng của mỗi người.

Trước hết nó hướng ta về Thiên Chúa, chúc tụng, tôn vinh và xin cho Nước Chúa mau trị đến. Tiếp đến là những nhu cầu chính đáng của ta với anh em.

Ta thấy có hai Thánh sử viết về Kinh Lạy Cha này, đó là Matthêu (Mt 6, 7-15) và Luca (Lc 11, 2-4).

Bản văn của Thánh Matthêu đầy đủ hơn và được Giáo hội chọn làm Kinh Lạy Cha chính thức mà ta vẫn đọc hằng ngày.

Cau nguyen5

(1) PHẦN THỨ NHẤT: QUY HƯỚNG VỀ THIÊN CHÚA

“’LẠY CHA, NGUYỆN XIN DANH CHA CẢ SÁNG. NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN.”

– Ở Matthêu: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển.

– Ở Luca: Lạy Cha, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển

Như vậy so với Matthêu, Luca, đã bỏ bớt cụm từ: “là Đấng ngự trên trời”, điều này có thể bỏ vì Luca muốn nhấn mạnh: Thiên Chúa là Cha, Ngài không còn xa chúng ta, trái lại Ngài rất gần gũi, rất thân mật, không chỉ ở trên trời nhưng còn ở bên cạnh, ở trước mặt, ở sau lưng, và ở trong chúng ta.

Dân Do Thái đã gọi Thiên Chúa bằng “Cha” như nhiều tôn giáo khác (Hô sê 11,3; Giêrêmia 3,19; Isaia 63,16; Khôn Ngoan 5,5 v.v…).

Tuy nhiên Đức Giêsu đã đổi mới từ này, khi Người dám thưa cùng Thiên Chúa: “Abba”! “Cha ơi”.., từ ngữ chỉ sự thân mật mà trước Người, ít khi người ta dùng đến.

Chính khi các môn đệ nhận thức được kinh nghiệm độc nhất của Đức Giêsu, họ mới khẳng định Người là “Con Thiên Chúa” trong một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt. Khi chúng ta lặp lại lời “cầu nguyện của Đức Giêsu, đến lượt mình, chúng ta dám nghĩ rằng “Chúa Cha yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Người yêu mến Con Một của Người” (Gioan 20,17).

“NGUYỆN XIN DANH CHA CẢ SÁNG. NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN”

Ta cầu mong cho Danh Chúa được cả sáng trên trái đất này, trên mọi quốc gia, có nghĩa cầu cho mọi người biết đón nhận Danh Chúa. Như vậy ta cầu mong cho Nước Chúa được hiện diện. Sự thật và công lý được ngự trị khắp nơi, xua tan sự dối trá, thủ đoạn và bạo lực.

Có lẽ lời cầu nguyện này rất cần thiết cho xã hội hôm nay để xua tan bóng đen bạo lực, để tiêu diệt nền văn hóa sự chết đang tràn lan và phổ biến khắp nơi.

So với Matthêu, ở Thánh sử Luca thiếu hẳn câu: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”

Có lẽ Luca thấy không cần thiết phải xin “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, vì khi Triều đại Thiên Chúa đến, thì Thánh ý Ngài đã được thể hiện trọn vẹn rồi, vì thế ta chỉ cần xin “NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN” thôi.

Cau nguyen11s

(2) PHẦN THỨ HAI: QUY HƯỚNG VỀ CON NGƯỜI.

“XIN CHA CHO CHÚNG CON HÔM NAY LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY”

Sống trong xã hội hôm nay, ai cũng mang đầy sự lo lắng: lo lắng cho bản thân mình, lo lắng cho gia đình và con cái.

Không lo lắng sao được khi kinh tế ngày càng xuống dốc, công ăn việc làm ngày càng khó khăn và luôn bấp bênh, phải tha phương cầu thực nơi xứ người. Môi trường bị nhiễm độc, thực phẩm bẩn tràn lan, thuốc giả tràn ngập, bệnh hoạn khắp nơi.

Ngày mai ta sẽ sống ra sao, sẽ ăn gì mặc gì? Nỗi lo lắng đó đã chi phối mọi suy nghĩ con người và nó còn đi cả vào trong giấc ngủ, vì thế ngày nay con người luôn rơi vào tình trạng mất ngủ, thức trắng đêm là chuyện bình thường.

Chúa Giêsu dạy ta xin với Thiên Chúa lương thực hàng ngày. Ta không xin giàu có để rồi sống xa Chúa và lạnh nhạt với anh em, nhưng là xin có lương thực nuôi sống mỗi ngày để sống đúng với thân phận con người.

Có lẽ đây là lời cầu xin thiết thực nhất cho chúng ta và cũng là lời cầu xin đẹp lòng Chúa nhất vì Ngài là người Cha luôn quan tâm đến con cái mình.

“VÀ THA NỢ CHÚNG CON, NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA MỌI KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON”.

Con người chỉ có tội với Chúa, còn giữa anh em với nhau, đó là mắc lỗi. Điều kiện để ta được Thiên Chúa tha tội, đó là ta phải biết bỏ qua lỗi lầm cho nhau.

Luca nhấn mạnh điều này: Nếu ta muốn được Thiên Chúa tha tội, ta phải tha thứ tất cả lỗi lầm của người khác đối với mình. Nếu còn 1 người nào đó ta chưa tha thứ, thì ta không xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ.

“XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ”

So với Matthêu, ở Luca thiếu cụm từ “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”.

Luca muốn nói rằng: đã là người, khi còn sống đời này, ta luôn phải đối mặt với các chước cám dỗ. Chính Chúa Giêsu cũng từng chịu cám dỗ như vậy.

Cám dỗ xuất phát từ 3 nguồn: Thế gian – ma quỷ – xác thịt.

Thân phận con người là một thân phận mỏng dòn yếu đuối, còn cám dỗ thì lại đầy uy lực muốn đánh gục con người.

Nhưng Chúa Giêsu không dạy ta xin không gặp cám dỗ, vì cám dỗ xét về mặt nào đó nó lại rất cần thiết, vì đó là dịp ta sống: Đức tin – đức Cậy – Đức mến trọn vẹn, cho ta lập công ở đời này.

Nếu đường đời bằng phẳng, anh hùng nào hơn ai.

Chính cám dỗ mới là cơ hội giúp ta nên thánh.

Nhưng Chúa Giêsu luôn cảnh giác ta, vì ta mang trong mình xác hèn vật mọn, ta rất dễ bị sa ngã trước các cơn cám dỗ, vì thế ta phải luôn cầu xin: “XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ”.

Khi dâng lên Chúa lời cầu xin này, ta muốn kéo Thiên Chúa về với ta, bảo vệ ta, gìn giữ ta trước các cơn cám dỗ.

Như vậy khi dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội Lời kinh tuyệt vời nhất, trọn vẹn hoàn hảo nhất.

Vì thế khi mỗi lần ta không biết cầu nguyện với Chúa thế nào thì ta chỉ cần sốt sắng đọc KINH LẠY CHA này, là ta đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện đẹp nhất rồi. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhận lời vì Thiên Chúa là Cha chúng ta mà!

Như vậy Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ và chúng ta: Hãy đọc Kinh Lạy Cha mỗi khi có dịp, và đọc Kinh Lạy Cha trong suốt cuộc đời này.

Amen.
_________________________
Giuse Nguyễn Viết Tâm.

Nguồn: http://giaoxutanviet.com/loi-chua-thu-tu-tuan-xxvii-thuong-nien-nam-chan-10102018-lc-11-1-4-thang-man-coi-kinh-duc-me-kinh-lay-cha/

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

————————————————

Video: KINH LẠY CHA (PATER NOSTER) – Gregorian Chant

KINH LẠY CHA (PATER NOSTER)

———

 

 

 

NGUY CƠ VẬT CHẤT – Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên 05-10-2018

thu 6 tuan XXVI

Lời Chúa: Lc 10, 13-16

(13) “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradim! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các nguơi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. (14) Vì thì, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. (15) Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!

(16) “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy.

Suy Niệm

Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi vật chất, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân quê đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.

Trở lại với trang Tin Mừng hôm nay, sau khi sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu liên tưởng đến những thành phố đã không đón nhận Tin Mừng. Đó là Khô-ra-đin, Bét-sai-đa và Ca-phác-na-um. Những thành này đều ở ven biển hồ Galilê, đều tương đối giàu có và trình độ văn hóa cao hơn những thành khác. Nhưng sự giàu có và kiến thức của họ đã khiến họ kiêu căng tự mãn nên họ không thèm đón nhận Tin Mừng. Bao nhiêu lời rao giảng và phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở những nơi đó đều hầu như hoàn toàn vô ích. Bởi thế, lẽ ra họ được hạnh phúc, nhưng Chúa Giêsu bảo “Khốn cho họ”.

Hôm nay, khi nghe đoạn Tin Mừng, hẳn là chúng ta cũng cảm thấy bực bội thay cho Thầy chí Thánh. Nếu chúng ta là họ, thì chắc là chúng ta đã hoán cải từ lâu rồi. Tuy nhiên Khô-ra-đin, Bét-sai-đa và Ca-phác-na-um cũng chỉ là đại diện cho sự lãnh đạm, chai lỳ của dân Chúa.

Như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, càng chạy theo vật chất, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự hiệp thông đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, họ cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa, mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một tương quan chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là thánh lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi của công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hàng ngày.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, xin đừng để chúng con làm nô lệ cho của cải vật chất. Xin cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt hàng ngày, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng con luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố cuộc đời. Amen.

Lm. J.P

Nguồn: http://tinvuixuanloc.vn/Watch_suy-niem-loi-chua-thu-sau-tuan-xxvi-thuong-nien_lm.-j.p_8944.aspx

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Các bài viết mới hơn

4-10: LỄ KÍNH THÁNH PHANXICÔ ASSISI

1-141001105J4564

Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB

Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) là một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và gây nguồn cảm hứng cho  Giáo hội bởi ngài sống sát với Phúc Âm – không trong ý nghĩa cực đoan hẹp hòi, nhưng thực sự sống theo những gì Ðức Giêsu Kitô đã nói và hành động, một cách vui vẻ, không giới hạn và không một chút tự tôn.

Cơn trọng bệnh đã giúp chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn khi còn là người thủ lãnh của  nhóm trẻ ở Assisi. Sự cầu nguyện – thật lâu giờ và thật kham khổ -đã giúp ngài trút bỏ mọi sự để theo gương Ðức Kitô, đến độ ngài đã ôm lấy một người cùi mà ngài gặp trên đường. Ðiều đó nói lên sự tuân phục những gì ngài đã nghe được trong khi cầu nguyện: “Phanxicô! Mọi sự con yêu quý và khao khát nơi thân xác con, thì đó chính là điều con phải khinh miệt và ghét bỏ, nếu con muốn biết ý định của Thầy. Và khi con bắt đầu thi hành điều này, tất cả những gì đối với con dường như ngọt ngào và đáng yêu sẽ trở nên quá quắt và cay đắng, nhưng tất cả những gì mà con thường hay tránh né sẽ trở nên thật ngọt ngào và cực kỳ vui sướng.”

Từ Thánh giá trong một nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Ðức Kitô nói với ngài, “Phanxicô, hãy đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ.” Phanxicô trở nên một người lao động hoàn toàn khó nghèo và thấp hèn.

Chắc chắn ngài đã đoán ra được ý nghĩa sâu xa hơn của câu “xây dựng nhà của Thầy.” Nhưng ngài không bằng lòng chấp nhận việc đi xin từng cục gạch về xây lại nguyện đường hoang phế ấy. Ngài từ bỏ tất cả những gì ngài có, ngay cả đống quần áo ngài cũng trao lại cho cha của mình (là người đòi Phanxicô bồi thường những gì ngài đã cho người nghèo), để ngài hoàn toàn thuộc về “Cha trên trời.” Thời gian ấy, ngài bị coi là một thầy tu quá khích, đi ăn xin từng nhà này sang nhà khác, khi ngài không thể kiếm ra tiền bằng cuộc việc của mình được, khiến các bạn cũ phải buồn rầu và ghê tởm, và bị những người thiếu suy nghĩ nhạo cười.

st-francis (1)

Nhưng cái gì thật sự chân chính tất phải dần dần  tỏ lộ. Người ta bắt đầu nhận ra rằng con người này đang cố gắng trở nên một Kitô hữu đích thực. Ngài thực sự tin vào điều Ðức Kitô dạy: “Hãy đi công bố nước trời! Ðừng mang theo vàng bạc, tiền của trong túi, đừng mang theo bao bị, giầy dép, gậy gộc” (x. Luca 9:1-3).

Quy luật đầu tiên của Phanxicô cho những người muốn theo ngài là thu lượm tất cả những lời dạy của Phúc Âm. Ngài không có ý thành lập một dòng tu, nhưng một khi Tu hội thành hình, ngài đã bảo vệ nó và chấp nhận mọi hình thức tổ chức có cơ cấu luật pháp cần thiết để nâng đỡ nó. Sự tận tụy và trung thành với Giáo hội của ngài quả thật là điều tuyệt đối cần thiết và phải được đề cao trong một thời đại mà nhiều phong trào cải cách khác nhau lại dường như nhằm phá vỡ sự hợp nhất của Giáo hội.

Ngài bị xâu xé giữa một đời sống hoàn toàn tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường rao giảng Tin Mừng, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi giáo ở Ai Cập trong lần Thập tự Chinh thứ năm.

Pope Francis

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn Thánh Phanxicô Assisi làm Đấng Quan Thầy cho triều Giáo hoàng của ngài

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm Dấu thánh, là những vết thương thực sự của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.

Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài ca anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người chị tử thần.” Ngài hát Thánh vịnh 141:

Trước thánh nhan Chúa, hỡi địa cầu, hãy rung chuyển,

      trước thánh nhan Chúa Trời nhà Giacóp,

      Người biến đá tảng thành hồ ao,

      và sỏi đá nên mạch nước dồi dào.

Và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.

Lời bàn:

Thánh Phanxicô Assisi trở nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Ðức Kitô. Ngài coi vũ trụ được tạo dựng như là một sự biểu lộ khác của vẻ đẹp của Thiên Chúa. Trong năm 1979,  ngài được đặt làm bổn mạng của khoa sinh thái. Ngài hãm mình phạt xác (để rồi sau này ngài phải xin lỗi anh “Thể xác”) để có thể hoàn toàn tuân thủ  Thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn, mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa tốt lành. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tâm linh của ngài: Sống đời sống Phúc Âm, đã được tóm lược nơi lòng bác ái của Chúa Giêsu và được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi Bí tích Thánh Thể.

Lời trích:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa, ở đây và trong toàn thể mọi nhà thờ trên toàn thế giới, vì qua Thánh Giá của Ngài, Chúa đã cứu chuộc nhân loại” (Thánh Phanxicô).

Nguồn: http://loichua.donboscoviet.net/index.php/suy-nie-m-ca-c-nga-y-le/chu-tha-nh/item/446-ng%C3%A0y-4-th%C3%A1nh-10-th%C3%A1nh-phanxic%C3%B4-assisi

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

————————————

Video Thánh Nhạc:

KHÚC CA MẶT TRỜI

Lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi & Nhạc: Hải Linh

Thể hiện: Ca đoàn Thánh Linh – Ca Trưởng Ngô Luận (xin bấm để nghe)

KHÚC CA MẶT TRỜI – Thánh Phanxicô & Hải Linh

5180249_37a95

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường (MTC) – -3-10-2018